Ngày 27 tháng Ba – 2011, nhạc sĩ du ca sau 17 ngày nằm trong phòng cấp cứu vì tai biến mạch máu não, đã lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt, thọ 68 tuổi…
Với số tuổi ấy, thời buổi bây giờ khoa học hiện đại, vẫn coi là còn quá trẻ.
Nhưng một cuộc đời từng trải, xông pha không khác những chiến sĩ anh hùng, lăn lộn trên nhiều chiến tuyến thì phải coi Nguyễn Đức Quang là đã sống nhiều, sống lâu trên thế gian này.
Mang trong người dòng máu hào hùng, tham gia Hướng Đạo ngay từ thời niên thiếu, anh đã hun đúc một tinh thần phấn đấu, tự thắng để chỉ huy ; tự cường để xông pha trên nhiều lãnh vực ; tự lực cánh sinh để vượt mọi khó khăn như tinh thần và tôn chỉ cao quý của Hướng Đạo.
Những mục đích ấy, anh đã làm trọn vẹn trong suốt cuộc đời mình…
Năm 1956, khi được 12 tuổi, anh gia nhập Hướng Đạo vùng Lâm Viên, dần dần lên tới cấp Hướng Đạo Hạng Nhất là đẳng hiệu cao quý nhất của HĐVN.
Qua các khóa huấn luyện, anh trở thành Bầy Trưởng Ngàn Thông năm 1964.
Khi vào Saigon, anh tham gia sinh hoạt với Ban Trầm Ca - tiền thân của Phong Trào Du Ca – cùng với Toán Sóng Việt gồm hầu hết Hướng đạo sinh đang theo học tại Viện Đại Học Dalat.
Khi Phong Trào Du Ca được thành lập năm 1966, anh đã hoạt động trong Phong Trào này cho đến tháng Tư 1975.
Khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1979, anh đã dấn thân vào các sinh hoạt của Liên Đoàn hướng Đạo VN trong các chương trình văn nghệ, họp bạn Hướng Đạo VN, tổ chức nhiều buổi hát nhạc rất thành công tại Úc Đại Lợi.
Anh sáng tác từ năm 17 tổi (1961) với nhạc phẩm « Gươm thiêng hào kiệt » dành cho Phong Trào Hướng Đạo.
Năm 1963, sau những biến chuyển chính trị lớn tại miền Nam, anh sáng tác những nhạc phẩm mang chủ đề về tuổi trẻ, quê hương, dân tộc, thân phận con người, nhạc tranh đấu cho một Việt Nam bất khuất…
Ngoài phần sáng tác, anh còn là Tổng Giám Đốc công ty Người Việt trong 4 năm (1984-1988), sáng lập nhật báo Viễn Đông, lập công ty báo chí QMS Media, xuất bản báo Chí Linh, Phụ Nữ Diễn Đàn, đài phát thanh và truyền hình VOC.
Từ trái sang phải:
Nhà thơ Hà Huyền Chi, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
& Phan Ni Tấn (Toronto 2005).
Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Dalat. Anh tốt nghiệp đại học Dalat, phân khoa Chính trị Kinh doanh khóa 1.
Một chi tiết nhỏ ít người biết đến là Nguyễn Đức Quang có thời gian làm việc tại Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp Trung Ương, số 7 Bến Bạch Đằng Saigon. Thời đó, Tổng giám Đốc là ông Nguyễn Đăng Hải.
Ngân hàng mở khóa thi tuyển dụng Tham vụ Ngân hàng để có thêm nhân sự giữ chức vụ Giám Đốc Ngân hàng tại các địa phương. Anh ứng thi và vì đậu cao trong số mấy hạng đầu nên được chọn phục vụ tại Sở Kế Hoạch.
Tôi cũng là nhân viên tại Ngân Hàng Trung Ương, có được một nhân tài âm nhạc phục vụ cùng ngành thì mừng lắm, kết thân ngay. Anh cũng là người vui vẻ, dễ tính, cởi mở nên chúng tôi chơi với nhau thoải mái.
Những dịp khánh thành Ngân hàng Nông Thôn tại các Vùng, tôi đều rủ anh đi để quan sát, học hỏi về ngành chuyên môn này.
Hồi làm việc tại Saigon, sáng sáng chúng tôi đến sở sớm, hay la cà bên quán cà phê cạnh trụ sở, nơi qui tụ các ông tài xế, lao công, nhân viên ngân hàng hay ngồi uống cà phê, đấu hót.
Anh cũng tham gia như mọi người, ngoại trừ là không ôm cây đàn để hát cho nhau nghe, vì sắp đến giờ làm việc.
Anh em, ai cũng quý mến Nguyễn Đức Quang vì anh ấy quá nổi danh đi rồi…
Bẵng đi một thời gian sau khi mất nước, chúng tôi lại gặp nhau bên Cali. Anh làm báo Người Việt, tôi cũng viết báo Người Việt với bút hiệu Lê văn Phúc nên thân tình càng thêm đậm đà. Anh là nhạc sĩ du ca nổi danh, còn tôi thì loe hoe dăm bản nhạc viết chung lời với nhạc sĩ Tuấn Khanh gọi là văn nghệ văn gừng…
Khi nào sang Cali, tôi cũng gặp anh trò chuyện, ăn nhậu. Khi nào anh qua vùng DC, tôi cũng rủ anh đi chơi thủ đô, có lần đưa anh đi thăm nghĩa trang Arlington để anh thấy nghĩa trang buồn trắng xóa, im lặng như tờ, nơi an nghĩ của biết bao chiến sĩ anh hùng hiến thân cho tổ quốc.
Anh đã coi cảnh các quân nhân đổi gác rất uy nghi, ngày đêm canh thức bên cạnh đài tưởng niệm tử sĩ .
Nguyễn Đức Quang đã viết bài « Chiều trên nghĩa trang Arlington » sau chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn.
Nói về các sáng tác của Nguyễn đức Quang, khuôn khổ tờ báo không cho phép nên tôi chỉ xin trích đoạn một vài bản nhạc đã được nhiều người biết.
Trong Tập Ca « Dưới ánh mặt trời » gồm những sáng tác trích từ các tập : Trầm ca, Những bài ca khai phá, Ruồi và kên kên, Chuyện chúng mình, Cần nhau, Khúc nhạc thanh xuân, Lòi nguyện cầu hạnh phúc, gồm 69 bản nhạc viết về quê hương, thân phân, tuổi trẻ, đồng bào, tự do, tình yêu, vượt biển, chiến tranh, hy vọng…
Trước hết hãy nói về tình yêu, chúng ta nhớ ngay đến bản « Bên kia sông » tác giả phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Thạch :
Này người yêu, người yêu anh ơi !
Bên kia sông là ánh mặt trời
Này người yêu, người yêu anh hỡi !
Bên kia đồi cỏ hoa đan lối
Bên kia núi, núi cao chập chùng
Bên kia suối, suối réo lạnh lùng
Là bài thơ toàn chữ hư vô…
Năm 1970, anh viết « Vì tôi là linh mục », thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Một linh mục không mặc chiếc áo dòng, có được một tín đồ là người tình, là ác quỷ , bỏ tôi đi trong chuông chiều dài lê thê.Nên tôi là một linh mục rất dại khờ…
Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng
Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang.
Vì tôi là linh mục, có được một tín đồ
Nhưng không là thánh thần nên tín đồ đi hoang…
Và kết cục là xôi hỏng bỏng không nên than thở một mình :
Vì tôi là linh mục, vì tôi là linh mục
Người ơi ! Một linh mục rất dại khờ…
Năm 1966, anh viết một ca khúc lừng lẫy, đó là « Việt Nam quê hương ngạo nghễ », nhịp điệu hùng mạnh, lời đanh thép sống động, ca tụng một quê hương ngạo nghễ anh hùng, qua bao nhiêu thời đại vẫn kiêu dũng hiên ngang…Sau gần 40 năm, bài hát đã thấm sâu vào lòng dân tộc :
Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang..
…Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại,
Xưong da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn công hát cười đùa vang vang.
Còn Việt nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng…
Nhạc phẩm này có lời 2 của đoạn 1 cũng rất kiêu hùng :
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên…
Năm 1967, anh viết « Hy vọng đã vươn lên » như ngọn đuốc giữa đêm đen, soi sáng những con đường quê hương, những tấm lòng rộng mở để cùng nhau đi tới :
Hy vọng đã vươn lên trong nhà hoang bên ruộng cằn
Hy vọng đã vươn lên trên nương buồn, dòng sông vắng
Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến
Hy vọng đã vươn dậy như triều dâng cho buồm căng xuôi trường giang.
Khi nói lên tâm sự về gia đình, anh viết « Người anh Vĩnh Bình » năm 1967, kể chuyện nhà. Người anh ra đi biền biệt không nói năng câu gì, bỏ lại bà mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Một bài ca buồn lặng lẽ, ưu phiền. Có đoạn :
Khi anh tôi đi, không nói năng câu gì.
Đem theo ba lô, cây viết xanh nhỏ bé
Mai nơi xa xôi, anh sẽ biên thư về
Cho mẹ, cho bà con, cho vợ với cậu bé.
Nhưng hai năm qua, không thấy thư anh về
Con thơ năm xưa nay đã thôi bồng bế
Đêm nghe xa xôi có tiếng ai ngang lệ
Con chờ nhé, đợi nhé, con chờ mốt ba về…
Năm 1968, Nguyễn Đức Quang đi qua một tỉnh miền Trung, anh viết bài “Chiều qua Tuy Hòa”.
Bản nhạc “gam” Mi thứ, nhịp ¾ êm nhẹ, vương vấn một nỗi buồn mênh mang.
Ai có dịp đi đường bộ từ Nha trang lên Ban Mê Thuột, nửa đường dừng lại trên đèo Ma Drak, đứng nhìn về hướng Tuy Hòa sẽ thấy bóng núi vọng phu trong sương mờ lạnh lẽo. Nhìn cảnh đó, ta cũng dâng lên một nỗi buồn vời vợi.
Tác giả đã đến tận nơi, nhìn tận mắt núi đá chơi vơi giữa cảnh núi đồi trong cảnh chiều tà.
Anh viết:
Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa,
trời xanh le lói bao mộng mơ.
Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió
và đâu đây tiếng sông bồi phù sa.
Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo,
vọng phu đưa mắt cũng buồn theo…
Cách đây 20 năm, khi anh về Houston trình diễn, có ở nhà tôi vài hôm.
Cả nhà tôi được nghe anh hát bài này. Riêng tôi, rất đắc ý với hai câu chót của đoạn trên:
“Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đèo
vọng phu đưa mắt cũng buồn theo.
Tôi khen anh là có tuyệt chiêu, ít ai sánh kịp. Anh cười, nói rằng: Ông Phạm Duy nghe bài này đã phải “chửi” ầm lên là làm sao mà nó lại viêt mấy câu hay đến thế!
Bài ca trên, tôi thuộc nằm lòng nên mỗi khi trò chuyện viễn liên với anh, tôi thường lên tiếng bằng cách hát đoạn đầu của bài này.
Nhưng phải nghe, phải thấy anh xử dụng tây ban cầm, phải nhìn vóc dáng nghệ sĩ và tâm hồn Nguyễn Đức Quang khi ca hát thì mới thấy dược những vẻ say mê, tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu quê hương mà anh tâm sự trong những ca khúc độc đáo này.
Viết một bài hát, nhạc điệu, tiết tấu là quan trọng, mà phần lời cũng không kém để năng cao giá trị của bài hát.
Trong giới nghệ sĩ, tôi thấy Đức Huy rất thận trọng và chú tâm trong việc đặt lời.
Nguyễn Đức Quang viết hàng trăm ca khúc, mỗi bài là một lời nhắn nhủ anh em ta, đồng bào ta hãy cùng nhau gìn giữ quê hương, trân quý tình gia đình, bè bạn, đóng góp cho đất nước sớm được hùng cường, rạng danh một Việt Nam oanh liệt.
Những ngày cuối trong cuộc đời khi Nguyễn Đức Quang đứt mạch máu não, bất tỉnh trong phòng cấp cứu thì bên Toronto, Canada, một người bạn trong nhóm Du Ca, cũng là nhạc sĩ/nhà thơ Phan Ni Tấn đã có bài thơ gửi bạn như thế này:
A ha! Ê hê!
Sáng nay nghe tin người bạn già của tôi
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vừa bị đứt mạch máu não
nằm mê man như cây đàn vừa đứt một giây trầm
Sáng nay câu thơ tôi thả bay trong nắng
hỏi tôi còn nhớ từng ngày xưa
Ừ thì nhớ người du ca muôn thuở
người du ca đi vào lòng người, những lúc nắng và mưa
Trời sinh anh ra đôi chân lặn lội
đi tác động khắp nẻo quê hương
bản du ca mở ra những con đường đất
gọi người về sống với yêu thương
Trời sinh anh ra một đôi môi hát
tiếng hát bay xa đến tận lòng người
nhìn vào câu ca đã trông thấy phố
thấy cả nông thôn nhà máy vươn mình
Câu anh hát mọi người cùng hát
hy vọng vẫn vươn lên như khói lan xa
hát khúc du ca mắt người thắp lửa
sáng trong long cứ mãi hát ra
Đẹp đến nỗi em bé đánh giầy bên hè phố cũng biết hát
chị bán lạc soong nghe cũng nở môi cười
anh xích lô hát bằng đôi chân chở khách
chị nông dân thắm tháp khúc tình người
Đẹp đến nỗi cây lúa thở ra khói trắng
cũng biết kêu và hát nghêu ngao
em rót câu ca chị gặt khúc hát
người gọi người dựng một phong trào
Đứng cạnh người nghệ sĩ du ca
Ôm cây đàn cùng cao tiếng hát
Câu thơ tôi ngày xưa cũng trôi theo dòng nhạc
Trái tim xanh thắp lửa niềm tin
Sáng nay lục lại ngày thơm trang bản thảo
thấy dòng đời lặng lẽ trôi qua
thấy máu nhỏ xuống nền bệnh viện
loan thành tin người nằm bệnh phương xa
Nghĩ mà giận người bạn già thiệt ngặt
giận mà mong anh sớm được bình an
thức dậy lần này chẳng còn ai thèm nghe bạn hát
mà chính lần này chúng tôi hát anh nghe
Này huynh trưởng, này bạn gìà, bạn lớn
là người yêu của mọi đồng bào
đất nước lâm nguy như người lâm trọng bệnh
lại còn nghe văng vẳng khúc hư hao
Nghe gì đây – khà khà …nghe chúng tôi hát bản du ca cuối cùng:
Nguyễn Đức Quang, Người yêu tôi bệnh….
(Phan Ni Tấn)
Những người biết anh, yêu anh đều cầu mong cho anh qua cơn bệnh hiêm nghèo.
Nhưng như một định mệnh đã an bài, anh lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt.
Để lại chốn nhân gian biết bao nhiêu nhớ thương, luyến tiếc ngậm ngùi…
THUYỀN ĐỜI XA BẾN
Tác giả: Nhạc sĩ Thanh Trang
Nhạc sĩ Thanh Trang viết nhạc phẩm này
để tiễn đưa NS Nguyễn Đức Quang trở về với bến bờ của "Đại Ngã"...